Đăng nhập

    Không tài khoản?

    Quên mật khẩu

      or

      Đăng ký

        Đã có tài khoản?
        Quá trình xác minh đã hoàn tất

        Đặt lại mật khẩu

          Bạn đã đăng ký thành công trên trang này. Vui lòng kiểm tra email của bạn để xem thư xác minh.
          Report Listing Anonymously
          Thanks for taking the time to report this listing. We will check and take necessary steps.
          Không nên liệt kê căn hộ này trên trang web nàyĐây không phải là chỗ ở cho thuêNội dung không phù hợp hoặc spamẢnh không đúng hoặc lừa đảoOther
          Vietnamhouse.vn
          • Tiền tệ
            • Đăng ký Đăng nhập
            • EnglishVietnamese
            • Hà Nội
            • Hồ Chí Minh
            • Đà Nẵng
            • Nha Trang
            • Vũng Tàu
            • Quảng Nam
            • Huế
            • Hạ Long
            • Blog – Cẩm nang và chia sẻ
              • Blog
              • Cẩm nang Phượt
              • Giới thiệu Homestay mới
            1. Home
            2. 2019 Archives
            3. Th6 Archives

            Hot Line: 083 530 0000

            27/06/2019 | vietnam | HomeStay

            Căn hộ 2 phòng ngủ view đẹp ấm áp ngay trung tâm thành phố Vũng Tàu

            Căn hộ Luxury Department Melody nằm ở trung tâm thành phố và gần biển. Nơi đây rất thuận tiện cho các bạn vui chơi biển.

            Căn hộ Luxury Department Melody đầy đủ trang thiết bị hiện đại và tiện nghi. Đây là một trong những căn hộ cao cấp và chất lượng nhất của Vũng Tàu.

            Căn hộ dành cho khách yêu thích những chuyến đi thoải mái và thú vị tại thành phố Vũng Tàu. . Chúng nằm gần biển (chỉ 4 phút đi bộ), được bao quanh bởi cà phê Tây Nguyên, chợ hải sản, Vinmart, cửa hàng trái cây tươi, v.v … đặc biệt với giá thấp nhất cả năm.

            Thông tin thêm
            20/06/2019 | vietnam | Cẩm nang Phượt, Photography

            7 homestay khách đưa máy lên là có ảnh đẹp ở Đà Lạt

            Không chỉ là chỗ ngủ, mỗi góc nhỏ ở Her Homestay hay Bonjour Dalat còn cho bạn những bức hình đẹp mắt.

            7 homestay khách đưa máy lên là có ảnh đẹp ở Đà Lạt

            Nomad Home Dalat

            Ngôi nhà nhỏ nằm cuối một con dốc trên đường Nguyễn Đình Chiểu, được bao quanh bởi một khu vườn xanh mát. Nơi đây có không gian chung, bếp cho khách sinh hoạt như ở nhà. Khách có thể chọn phòng tập thể và phòng riêng với giá khác nhau, từ 150.000 đồng một người. Ảnh: Long Le Canh.

            7 homestay khách đưa máy lên là có ảnh đẹp ở Đà Lạt

            Dalat80s.NhàMình

            Nằm ở khu quy hoạch Ngô Quyền, homestay như một ngôi nhà vào những năm 1980. Xen lẫn các bộ bàn ghế làm bằng gỗ là một số đồ trang trí mang phong cách châu Âu, chậu cây cảnh tạo cảm giác gần gũi cho du khách. Bạn sẽ tìm thấy cảm giác quen thuộc của gia đình như mâm cơm, ly nước hay tiếng chim hót. Ở đây có nhiều loại phòng cho khách lựa chọn, giá phòng dorm là 140.000 đồng một đêm.

            7 homestay khách đưa máy lên là có ảnh đẹp ở Đà Lạt

            Đợi Một Người

            Là một điểm lưu trú kiêm quán cà phê ở đèo Prenn, địa chỉ này thu hút du khách nhờ không gian nằm giữa rừng, tách biệt với phố thị sôi động. Nổi bất nhất là căn nhà kính đặt giữa hồ nước. Không gian các phòng ở đây đều ngập ánh sáng và cây xanh. Giá phòng dành cho 1-2 người từ 650.000 – 850.000 đồng mỗi đêm.

            7 homestay khách đưa máy lên là có ảnh đẹp ở Đà Lạt

            Đà Lạt Home & Coffee

            Homestay nằm ở Đan Kia, Phước Thành, ghi điểm với sân vườn xanh mát rộng đến 1.200 m2. Các căn phòng được thiết kế đơn giản. Khu nghỉ có quán cà phê nhỏ, có tầm nhìn ra đồi Thiên Phúc Đức và đỉnh Liang Biang. Mới đây, chủ homestay còn xây dựng khu vui chơi, chụp ảnh được lấy cảm hứng từ truyện tranh Đô Rê Mon. Khách có thể check-in ở sân bóng, nhà Nobi hay nhà Chaien. Khách đi theo nhóm có thể thuê chỗ để tổ chức tiệc BBQ. Giá phòng tại đây là 350.000 đồng một đêm cho 2 người.

            7 homestay khách đưa máy lên là có ảnh đẹp ở Đà Lạt

            Bình Yên House

            Homestay là những căn bungalow nằm trên một ngọn đồi thuộc khu vực tổ 7, Đa Lộc, Xuân Thọ. Buổi sáng thức dậy, du khách có thể đón bình minh trong bầu không khí trong lành. Còn khi đêm xuống, bầu trời đầy sao là khoảnh khắc sẽ khiến bạn thích thú.

            Homestay có nhiều loại phòng khác nhau, giá từ 150.000 đồng một khách. Nơi này gần một số điểm du lịch nổi tiếng như đồi chè Cầu Đất, vườn hoa cẩm tú cầu, quán cà phê ngắm Đà Lạt từ trên cao… Để đến đây, bạn đi dọc theo quốc lộ 20, hướng Trại Mát, chùa Ve Chai. Từ ngôi chùa nổi tiếng, bạn đi thẳng thêm khoảng 3 km thì tới.

            7 homestay khách đưa máy lên là có ảnh đẹp ở Đà Lạt

            Her Homestay Dalat

            Điểm lưu trú này nằm trên đường Hoàng Hoa Thám. Không gian nghỉ ngơi của khách xây theo dạng nhà ống, có trang trí bên ngoài như nhân vật chính trong bộ phim hoạt hình Minion nổi tiếng. Nhờ đó, nơi này thu hút đông các bạn trẻ thích chụp ảnh. Phòng của homestay được khách đánh giá là sạch sẽ và tiện nghi. Giá một đêm lưu trú tại đây từ 300.000 đồng.

            7 homestay khách đưa máy lên là có ảnh đẹp ở Đà Lạt

            Bonjour Dalat Homestay

            Biệt thự trên đường Hoàng Hoa Thám cho thuê các căn phòng được thiết kế cho khách ngủ giường tầng. Không gian homestay trang trí nhiều màu sắc. Hoa và cây cối được chủ chăm sóc xanh tươi, xuất hiện ở nhiều ngóc ngách. Những khung cửa sổ cho phép bạn nhìn thấy núi rừng Đà Lạt. Giá một đêm nghỉ ở đây dao động từ 150.000 đồng.

            Thông tin thêm
            16/06/2019 | phongviet | Blog, Giới thiệu Homestay mới

            Cù Lao Xanh – “Atlantic của Việt Nam”

            Quy Nhơn hiện là trong những thiên đường biển đảo rất được nhiều tín đồ du lịch yêu thích, nổi tiếng nhất ở đây chính là Eo Gió – Kỳ Co. Không những vậy, Quy Nhơn còn có Cù Lao Xanh đẹp như biển Atlantic mà bạn không thể bỏ qua.

            Làn nước trong vắt tại Cù Lao Xanh hứa hẹn sẽ “đốn tim” bất cứ ai đã ghé thăm. Ảnh: IT

            Đến Cù Lao Xanh, bạn sẽ thả mình trong vẻ đẹp của biển và cảnh thiên nhiên tại nơi đây. Biển xanh ngắt và trong đến nỗi bạn có thể thấy cả đá ngầm và san hô phía dưới đáy biển, không những vậy cát trắng mịn và sạch, phần vách đá biển thì nhấp nhô như bật thang để bạn thể dễ dàng đứng trên đó cảm nhận làn nước mát của biển.

            Cù Lao Xanh sở hữu khung cảnh hữu tình và là điểm vui chơi lãng mạn cho các cặp đôi. Ảnh: IT

            Điều đặc biệt ở đây ngoài cảnh biển đẹp như thương đường thì Cù Lao Xanh còn sở hữu cho mình một kho báu dưới đáy biển, đó chính là rạng san hô rộng đến 70ha bao quanh đảo. Rạng san hô tràn đầy màu sắc, kích thước, loại khác nhau. Bạn có thể lặn xuống biển khám phá kho báu quý này tại nơi đây.

            Cù Lao Xanh tọa lạc tại xã Nhơn Châu, thuộc thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Để đi đến đây bạn có thể lựa chọn 3 hình thức: Đi máy bay, tàu hỏa, hoặc xe đò để đến Quy Nhơn rồi đi tàu ra Cù Lao.

            Độc đáo homestay phòng kính giữa núi rừng Đà Lạt

            Với những “kẻ mộng mơ” hẳn phải yêu ngay homestay The Kupid – Da Lat no single ngay từ lần gặp đầu tiên bởi không gian biệt lập, yên tĩnh, đặc biệt sở hữu các căn phòng được lắp khung kính lớn trong suốt nhìn thẳng núi đồi xanh bát ngát tuyệt đẹp.

            Bốn bề là kính làm bạn có cảm giác như đang nằm giữa núi rừng, quyện vào thiên nhiên bên ngoài. Ảnh: IT

            Thêm một điểm cộng cho khu homestay này là có rất nhiều điểm sống ảo lý tưởng, lên hình cực lung linh, từ cánh cổng chào, sân trước, sân sau, sân thượng đến quán cà phê bên trong homestay đều được chăm chút tỉ mỉ.

            Góc sống ảo đẹp được nhiều bạn yêu thích. Ảnh: IT

            The Kupid Dalat No Single tọa lạc tại Đặng Thái Thân, Khu biệt thự Đồi Thông Kim, thành phố Đà Lạt, không quá gần cũng không quá xa trung tâm, vừa đủ để bạn có một kì nghỉ yên tĩnh và vẫn thuận tiện ăn uống, đi lại.

             

            Thông tin thêm
            15/06/2019 | phongviet | Blog

            Làng quê nghèo giàu lên nhờ homestay

            Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây những năm gần đây có đông du khách tới tham quan giúp người dân phát triển kinh tế, làm giàu ngay tại quê hương.

            Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nằm dọc dòng sông Thu Bồn. Để đến làng này, du khách có thể đi xe máy từ thành phố Hội An qua cầu Cẩm Kim, rẽ phải chạy vài cây số là đến nơi. Du khách cũng có thể đi thị trấn Nam Phước, qua xã Duy An, Duy Phước và Duy Vinh đến Cẩm Kim rồi theo con đường nhựa về làng.

            Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây thu hút khách du lịch đến tham quan trải nghiệm.

            Chị Nguyễn Thị Mai Thảo cho biết, trước đây, gia đình thuộc diện khó khăn, chồng chạy taxi, còn chị làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân, cuộc sống khó khăn. Gần 2 năm nay, vợ chồng chị Thảo chuyển sang làm dịch vụ lưu trú homestay. Hiện tại, căn nhà 2 tầng của chị Thảo là điểm đến ưa thích của nhiều khách du lịch, thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm.

            Khách du lịch trải nghiệm ở làng Du lịch cộng đồng Triêm Tây.

            “Khách du lịch ở đây cho họ ở, nấu ăn, tự làm tất cả mọi thứ trong nhà mình. Khách Tây họ về càng ngày đông hơn so với những năm trước. Tôi có hướng sẽ mở homestay hết. Trước đây, người dân ở đây khó khăn nhưng vì do có làng du lịch cộng đồng người dân phát triển nhiều hơn. Du lịch phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn nên mình có thu nhập”, chị Thảo cho hay.

            Du khách được người dân hướng dẫn nấu những món ăn dân dã.

            Từ khi làng du lịch cộng đồng Triêm Tây đi vào hoạt động, gần 30 hộ dân địa phương tự nguyện thành lập tổ Hợp tác xã Nông nghiệp làng Triêm Tây. Khách du lịch đến đây được trải nghiệm các dịch vụ vui chơi như: chèo thuyền, tham gia dệt chiếu, trồng rau tại vườn và giao lưu với dân làng tại ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng.

            Mỗi ngày có từ 300 đến 400 khách du lịch đến làng du lịch Triêm Tây.

            Ông Nguyễn Yên, Giám đốc Hợp tác xã làng Du lịch cộng đồng Triêm Tây, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam cho biết, mỗi ngày có từ 300 đến 400 khách du lịch trong nước và nước ngoài tới tham quan và trải nghiệm tại đây. Đến nay, người dân ý thức được phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế; việc bảo tồn văn hóa, bảo vệ tài nguyên du lịch được chú trọng.

            Ông Nguyễn Yên nói: “Khách họ thấy trên facebook, thích đến với Triêm Tây người ta thưởng thức những dịch vụ. Từ khi có Hợp tác xã đến bây giờ, khách đến đây nếu cần ăn uống sẽ điều động tất cả mọi thành viên trong hợp tác xã nấu hay khách yêu cầu làm văn nghệ yêu cầu tất cả chị em trong HTX tới, đốt lửa trại và mời khách xem biểu diễn văn nghệ. Làm thế nào đó để cho người dân phát triển và họ hưởng thụ theo du lịch”.

            Du khách được hướng dẫn đi chợ.

            Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trước đây, đời sống của bà con nơi đây rất khó khăn. Số thanh niên trẻ tại địa phương rời quê đi nơi khác lập nghiệp chiếm tỷ lệ cao. Từ khi làng du lịch cộng đồng này đi vào hoạt động, số người dân ở Triêm Tây trong độ tuổi lao động đã quay trở về làm du lịch. Ngoài ra, cũng thu hút thêm số lượng lao động từ nơi khác đến làm du lịch.

            “Làng du lịch cộng đồng Triêm Tây là một mô hình điểm sáng trong việc phát triển du lịch của Điện Bàn. Đến nay, Triêm Tây cũng có bước phát triển tốt về mặt kinh tế xã hội. Càng ngày Triêm Tây được nhiều du khách biết đến và lượng khách ngày càng tăng. Tuy nhiên so với mong đợi còn một số việc cần phải hoàn chỉnh. Kế hoạch của thị xã Điện Bàn tiếp tục mở rộng định hướng phát triển du lịch theo hướng du lịch cộng đồng, homestay và du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp homestay từ Triêm Tây lên Điện Phương và vùng Gò Nổi. Hiện nay đã xuất hiện một số mô hình homstay tương đối mới ở làng Cẩm Phú bắt đầu được du khách biết đến”, ông Hà cho hay./.

            Thông tin thêm
            15/06/2019 | phongviet | Blog

            Tuyên Quang: Gái xứ Tuyên lội ngược dòng với tre, nứa theo quan niệm ‘3 sinh’

            Từ đôi bàn tay khéo léo của người nông dân Tày, những chiếc thìa, dĩa nhỏ xinh; cốc chén tiện dụng; giỏ, làn, khay lạ mắt… ra đời. Sản phẩm thân thiện với môi trường đã ‘vươn xa’ đến Hà Nội, Lai Châu, Quảng Ninh, Sài Gòn….

            “Lội ngược dòng”

            Tôi biết Trịnh Thị Thảo và những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hợp tác xã Nhật Minh qua mạng xã hội. Cô gái trẻ sinh năm 1989 thường xuất hiện duyên dáng với cặp kính cận hiện đại và bộ trang phục Tày truyền thống.

            Cách quảng bá sản phẩm của Thảo cũng khá hấp dẫn với những khuôn hình ấn tượng. Đó là cách sắp xếp hài hòa, sáng tạo giữa những chiếc cốc tre, thìa tre, bát tre, đũa cau, giỏ xách, khay đựng… khiến người xem thích thú.

            Chị Trịnh Thị Thảo (bên phải), Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minhvà sản phẩm thủ công được làm từ mây, tre.

            Và khi gặp ngoài đời, Thảo vẫn mặc bộ trang phục Tày quen thuộc. Câu chuyện đầu tiên em chia sẻ như một lời thú nhận dễ thương. Thảo nói: “Cách đây mấy năm em là con người khác. Ít mặc đồ Tày, không biết gì về đan lát hay thủ công mỹ nghệ”.

            Thảo đã tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tổng hợp, trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội và ngành Kế toán Doanh nghiệp, trường Cao đẳng Tài chính Thái Nguyên. Biết bao dự định nơi phố thị phồn hoa, những va vấp nhỏ đầu đời giúp em nhận ra quê hương là chỗ dựa bình yên nhất.

            23 tuổi, Thảo trở thành cán bộ công tác tại xã nhà. Gắn bó với nơi “chôn nhau cắt rốn”, khát vọng được cống hiến, làm điều gì đó cho quê hương cứ thôi thúc cô gái nhỏ. Thảo bảo, ngay từ bé em đã thấy các hộ dân trong bản tự làm nhiều vật dụng bằng mây, tre, tế.

            Sản phẩm từ mây, tre, tếbền đẹp, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, suốt bao năm “cơn bão” sử dụng đồ nhựa, inox tràn về khắp bản làng đã làm mai một đi nghề truyền thống. Vậy là, ý tưởng “lội ngược dòng” khôi phục lại làng nghề bắt đầu nhen nhóm.

            “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau” là câu nói giúp Thảo kiếm tìm và gặp gỡ những người bạn cùng chung ý tưởng: Hoàng Văn Tuyên, Quan Văn Tuân, Nguyễn Văn Giang, Chẩu Văn Dụ… Đấy là những thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết, quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.

            Ban đầu, nhóm bạn thử nghiệm làm các sản phẩm quen thuộc như: Cốc, ấm, chén, khay, túi xách. Mặt hàng được trưng bày, giới thiệu tại các homestay xã Khuôn Hà, Lăng Can và nhận được những phản hồi tích cực từ khách du lịch.

            Người suýt xoa, người trầm trồ thích thú những chiếc cốc, thìa, dĩa bằng tre, giỏ xách bằng cây tế, đũa bằng thân cau… Sau khi thăm dò thị trường thành công, nhóm bạn bắt đầu với ý tưởng khởi nghiệp và tạo ra thu nhập từ hệ sinh thái vốn có của quê hương.

            Thảo chia sẻ: “Giờ người dân trong độ tuổi lao động, nhất là lớp thanh niên đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất rất nhiều. Mình đặt câu hỏi: “Tại sao những người ở đây họ lại chọn đi làm xa hàng trăm cây số?” Mình muốn mọi người thấy rằng, có thể sống được trên mảnh đất này, dựa trên những chất liệu, hệ sinh thái sẵn có”.

            Vậy là Thảo cùng nhóm thanh niên quyết định thành lập Hợp tác xã Nhật Minh chuyên phát triển, sản xuất các sản phẩm thủ công có nguồn gốc từ địa phương.

            Từ sinh thái, sinh nhai đến sinh kế

            Những ngày đầu, người Tày Nà Kẹm được thuê “làm công ăn lương” ngay tại bản, ai nấy đều bất ngờ, háo hức. Cụ Trịnh Thị Len, cụ Nông Thị Sự năm nay đã ngoài 80 tuổi, mắt mờ chân chậm thế mà đôi tay khi đặt lên lóng đan lại nhanh thoăn thoắt.

            Cụ Len bảo, tiếng Tày gọi cây tre là “mạy ngày”, cây mây là “mạy vại”, cây tế là “mạy tung”. Những cây này mọc quanh nhà, khắp vườn rừng. Trước cụ chỉ biết đan vài ba chiếc giỏ, nón, túi xách, chiếc chiếu… để dùng, còn đan mang đi bán thì cụ chưa từng nghĩ đến. Bọn trẻ bây giờ đi nhiều, biết nhiều làm được nhiều điều hay ho lắm.

            Các thành viên Hợp tác xã và người dân Nà Kẹm làm các sản phẩm thủ công từ mây, tre.

            Hợp tác xã luôn gắn hoạt động với thiên nhiên, khai thác thiên nhiên xung quanh mình theo hướng bền vững. Anh Hoàng Văn Tuyên, thành viên Hợp tác xã, một trong những tay thợ lành nghề chia sẻ: “Tre chỉ lấy đúng những thân già, không chặt trụi cả bụi, cây tế thì chọn từng cây, không cắt hết một lượt. Nguyên liệu được tận dụng triệt để, những cây tre có vanh lớn thì làm bát, nhỏ hơn thì làm cốc, bộ ấm chén uống trà; phần thừa thì tận dụng để làm thìa, dĩa. Ngay cả cật tre, chúng tôi cũng mày mò tạo hình thành những chiếc dao cắt bánh nhỏ xinh với giá bán rất rẻ, chỉ 2.000 đồng/chiếc”.

            Ý tưởng đưa máy móc về hỗ trợ khiến các thành viên đắn đo. Bởi bên cạnh khó khăn về vốn thì việc đưa máy về có phá hỏng đi cái “hồn cốt” của sản phẩm thủ công?

            Câu hỏi đó khiến các thành viên Hợp tác xã đích thân đi tận các làng nghề tại Thái Nguyên, Thanh Hóa… để học hỏi. Điều mọi người nhận ra đó chính là muốn phát triển thì cần nắm bắt kịp xu thế. Con người làm chủ khoa học kỹ thuật thì mới có được những bước tiến.

            Tuy nhiên, với sản phẩm thủ công mỹ nghệ cần có được bản sắc, vẻ đẹp riêng, máy móc không thể thay thế hoàn toàn. Nhiều công đoạn cần có đôi bàn tay người thợ để tạo nên “hồn cốt” của sản phẩm. Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, giữa cái mới và cái cũ.

            Khi tư tưởng đã thông, việc huy động nguồn vốn từ các thành viên dễ dàng hơn. Số tiền hơn 100 triệu đồng đã được đầu tư mua máy khắc, máy chà, máy cắt, máy đục, máy khoan, máy bắn lỗ, chốt. Có máy móc, năng suất sản phẩm tăng cao, mẫu mã đa dạng, bắt mắt.

            Những chiếc cốc, bát, bộ ấm chén trở nên mịn màng, thanh thoát; thìa, dĩa, ly, gáo múc rượu, chõ xôi… trở nên nhỏ nhắn, đường nét mềm mại. Điều này khiến hành trình Thảo đi chào hàng, mở rộng thị trường trở nên dễ dàng hơn.

            Cô giám đốc 8x chia sẻ: “Em thường xuyên giới thiệu mặt hàng ở các homestay và hội chợ trong tỉnh. Đặc biệt ở thời đại công nghệ 4.0 việc quảng bá, mua bán thuận tiện hơn, gói gọn trong chiếc máy tính và điện thoại. Từ những khuôn hình sản phẩm bắt mắt, nhiều đại lý gọi mẫu, chủ động đặt hàng online. Thị trường cứ thế mở rộng tại Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh…”.

            Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 1.800 đến 2.300 sản phẩm các loại, đem lại doanh thu hơn 50 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương trung bình từ 3 – 4 triệu đồng/tháng. Còn khi vào thời vụ, có đơn đặt hàng số lượng lớn thì phải huy động gần 20 lao động tham gia. Một số người dân có thể tranh thủ lúc nhàn rỗi đến làm việc tính công là 150 nghìn đồng/ngày.

            Để khai thác tối đa lợi thế, Hợp tác xã không dừng ở việc sản xuất sản phẩm mà còn mở hướng mô hình kinh doanh gắn với du lịch. Giờ đây xưởng sản xuất được đặt ngay tại mô hình homestay gia đình anh Hoàng Văn Tuyên. Khách vừa được nghỉ ngơi, vừa trải nghiệm, tự tay làm các sản phẩm từ tre như: Cốc, chén, thìa, dĩa…

            Từ đầu năm 2019 đến nay, Hợp tác xã đã đón được gần 100 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Có được kết quả đó là nhờ cô Giám đốc trẻ linh hoạt kết nối tua, tuyến với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh.

            Chị Võ Thị Mai Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Startravel Hà Nội cho biết: “Tôi có 2 lần dẫn đoàn khách Hà Nội vào tham quan mô hình mây tre đan. Đến đây, du khách được trải nghiệm khá thú vị, vừa được các cụ già hướng dẫn làm sản phẩm, vừa nghe nhiều tích chuyện hấp dẫn. Đây là một trong những điểm dừng chân ấn tượng tại huyện vùng cao Lâm Bình”.

            Theo Báo Tuyên Quang

            Có thể bạn quan tâm

            Thông tin thêm
            15/06/2019 | phongviet | Blog

            TP. Bảo Lộc- thiên đường du lịch mới ở xứ mờ sương

            Nhắc đến du lịch Tây Nguyên, TP Bảo Lộc gần đây đang nổi lên với những điểm đến ấn tượng, mê hoặc dù chỉ một lần ghé thăm.

            Bảo Lộc bình yên duyên dáng như thiếu nữ luôn đốn tim bất kỳ ai ngang qua. Vẫn hơi lạnh Cao Nguyên lộng gió, Bảo Lộc thêm mê say ta bằng sự dung dị, an hòa, chân chất của tình đất tình người.

            Bảo Lộc gây ấn tượng đầu tiên bằng khí hậu se lạnh. Cảnh vật cũng không đượm buồn như Đà Lạt. Thành phố chiều lòng du khách với rõ rệt hai mùa trong ngày: sáng – chiều sương mù dày se lạnh 18-19 độ, trưa nắng ấm dao động 21-24 độ, thiên nhiên ôn hòa quanh năm.

            Xe từ Sài Gòn đi chỉ mất hơn 3 giờ, gần hơn nửa lên Đà Lạt, du khách tự do khám phá một Bảo Lộc bát ngát rừng lá, đồi núi suối đèo chưa mang dấu vết của cốt thép bê tông. Đến để thưởng thức đặc sản địa phương dân dã tươi ngon, lạc chân qua từng danh lam thắng cảnh nguyên sơ, trữ tình, huyền ảo, làm say đắm du khách đường xa.

            Trong bán kính chưa đầy 50km, thành phố có nhiều ngọn thác lừng danh: DamB’ri (một trong 14 thác nước đẹp nhất trên thế giới), Dasara, Bảy tầng Tà Ngào, Cầu Đôi, Tam Hợp, Bobla, Lilieng. Núi Đại Bình, núi Lu Bu điểm đến còn mới mẻ, hoang vu và chưa nhiều cung đường lên đến đỉnh núi. Những đồi chè, cà phê, dâu tằm thoai thoải, Hồ Nam Phương , Hồ Lộc Thanh, suối Cát, suối Đá Bàn,… thích hợp cho các hoạt động dã ngoại, sinh hoạt đội nhóm hay du lịch gia đình. Ngoài ra, Chùa Linh Qui Pháp Ấn, Chùa A Di Đà, Chùa Trà, Tu viện Bát Nhã, Chùa Phước Huệ, Nhà thờ Thánh Mẫu, Giáo xứ La Vang, Giáo xứ Bảo Lộc, nhà thờ Tân Thanh,… cũng là những điểm thu hút đông đảo du khách.

            Kế đó, thiên nhiên còn ban tặng cho Bảo Lộc những vẻ đẹp độc đáo mà khó nơi nào có như vùng đất chocolate tại khu vực hồ Nam Phương. Đứng đây, mọi người liên tưởng mình đang đứng trên những “thanh socola” ngọt ngào. Ngôi nhà mang mái hoa chùm ớt đỏ bừng lên giữa không gian xanh ngát đã trở thành điểm checkin không thể bỏ qua của du khách. Hay như những khung cảnh đẹp như tranh với đồi cỏ và hồ nước xanh.

            Khách thập phương ngất ngây trước vẻ đẹp của những hàng hoa hồng phấn vốn được nhiều người gọi là hoa kèn hồng. Rồi hồ nước có tảo hồng nở hoa nằm ở vùng ngoại ô. Và gần đây nhất là những hàng cây phượng vàng rực rỡ, biểu tượng mùa xuân mới của Bảo Lộc.

            Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hoàn thành, sân bay Lộc Phát đi vào hoạt động tạo thuận lợi tối đa, thu hút du khách trong và ngoài nước, hứa hẹn du lịch Bảo Lộc sẽ phát triển rất nhanh trong thời gian tới.

            Bảo Lộc đẹp như cõi thiền. Trong guồng quay cuộc sống và áp lực công việc, ai cũng muốn quay về thiên nhiên, hòa mình trong không gian xanh mát yên lành để tĩnh lặng, cân bằng. Thời gian qua, Bảo Lộc đã dành nguồn ngân sách vào các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, phát triển loại hình homestay độc đáo bên cạnh bảo tồn nét đẹp hoang sơ nguyên thủy.

            Homestay tuy không mới ở Đà Lạt hay các thành phố du lịch khác, nhưng Bảo Lộc mang những nét rất riêng đậm bản sắc văn hóa địa phương. Du khách thật sự bình yên hít thở khí trời trong trẻo, xung quanh phố xá văn minh và an toàn tuyệt đối. Ở đây, mỗi người đều chung tay bảo vệ thiên nhiên, thưởng ngoạn bên cạnh gìn giữ môi trường. Du lịch Bảo Lộc ấy thế mà được nâng tầm mới: góp phần định hướng thái độ và trách nhiệm của con người với tạo vật.

            Tiềm năng lớn về du lịch sẽ kéo theo mô hình homestay nở rộ để phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng ưa thích cái mới cái lạ khi đi khám phá vùng đất xinh đẹp này. Ưu điểm của mô hình này là giá thành rẻ, thi công nhanh, dễ dàng lắp đặt di chuyển. Hơn nữa tính thẩm mỹ cao, màu sắc đa dạng giúp chúng thu hút được phần đông khách du lịch.

            Một không gian sống chỉ cần nhỏ xinh thôi nhưng ấm cúng, tiện nghi lại gần gũi thiên nhiên là ước mơ của rất nhiều người. Dù diện tích ngôi nhà rất nhỏ thế nhưng bên trong lại rất tiện nghi với đầy đủ giường, ghế sofa, tivi, tủ lạnh, nhà vệ sinh,… Chưa hết, bên ngoài nhà còn có khoảng sân vườn với bàn ghế có thể mở rộng làm chỗ ngồi ăn hoặc uống trà.

            Có nhiều diện tích cho khách hàng lựa chọn: 12m2, 16m2, 20m2, 24m2,… cùng rất nhiều mẫu homestay vô cùng độc đáo như: gỗ lắp ghép, container, thùng rượu vang, nhà sàn, tổ chim,…

            Màu sắc trang nhã, không gian thoải mái dễ dàng hấp dẫn bất cứ ai. Mặc dù nội thất trong các căn homestay này được bài trí rất đơn giản, nhưng rất tinh tế và có gu. Không chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn cho bạn cảm giác gần gũi thân thuộc.

            Link: https://www.facebook.com/ khamphalamdong/

            Tấn Tài

            Thông tin thêm
            15/06/2019 | phongviet | Blog

            Du lịch tình nguyện và những trải nghiệm thú vị

            Du lịch tình nguyện đang dần phổ biến khi chính du khách được tham gia vào chuyến đi kết hợp du lịch địa phương, tận hưởng dịch vụ giải trí, mua sắm và giúp đỡ người dân hoàn thiện dịch vụ của mình. Chương trình tập trung vào du lịch sinh thái và cộng đồng người Việt ở vùng sâu vùng xa, với mục tiêu giúp người dân đặc biệt là những gia đình khó khăn có thể phát triển sự nghiệp và công việc ngay tại trên quê hương hay chính ngôi nhà của mình từ việc xây dựng ‘homestay’, dịch vụ trải nghiệm văn hóa vùng miền…

            Hướng dẫn, tư vấn người địa phương quy hoạch làm du lịch cộng đồng.

            Ra đời từ tháng 6-2013, V.E.O là một tổ chức phi chính phủ, viết tắt của Volunteer for Education Organization, mạng lưới kết nối các tình nguyện viên trên toàn thế giới, nhằm chung tay giúp đỡ những đối tượng khó khăn thông qua các chương trình giáo dục, với các dự án chính gồm: “Tủ sách trong veo”, “Kiến tạo tương lai người Việt trẻ” và “Du lịch tình nguyện”. Hàng trăm thành viên, tình nguyện viên V.E.O đã có mặt ở nhiều vùng đất phía bắc và đang có một điểm dự án ở phía nam, để kết nối rộng rãi thành viên tham gia.

            Đến nay, V.E.O đã mở thêm các điểm dự án du lịch thiện nguyện tại 12 tỉnh, trong đó có 11 tỉnh ở phía bắc là Mai Châu, bản Cỏi (Phú Thọ), Thác Bà (Yên Bái), Tả Van (Sa Pa), Na Hang (Tuyên Quang), Bắc Sơn (Lạng Sơn), bản Giốc (Cao Bằng), Lô Lô Chải (Hà Giang), Tuần Giáo (Điện Biên), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hạ Thành (Hà Giang) và một điểm ở phía nam là Trà Vinh. Tại các điểm dự án, điều phối viên sẽ là người phụ trách khảo sát, lên kế hoạch cho chuyến đi để làm việc với người dân và chính quyền địa phương, nhằm vận động phát triển du lịch cộng đồng tại chính nơi mình sinh sống.

            Sứ mệnh của V.E.O tập trung vào các chương trình giáo dục, mang lại cho những người yếu thế, cư dân nghèo, nạn nhân của các vụ lừa đảo… có được một cơ hội nghề nghiệp và cuộc sống phát triển lâu dài, thay vì những hoạt động từ thiện ngắn hạn. Các hoạt động chính của V.E.O tại Việt Nam gồm gây quỹ qua các chương trình văn nghệ, bán quần áo, thăm và tặng quà, chương trình dạy tiếng Anh hằng tháng cho trẻ em mồ côi hay các chuyến du lịch tình nguyện…

            Tham gia giảng dạy trực tiếp cho các em nhỏ tại trưởng tiểu học về bảo vệ rừng, sinh hoạt cá nhân và kỹ năng sống cơ bản.

            Bắt đầu từ niềm đam mê phượt và trăn trở phải làm sao hỗ trợ cộng đồng phát triển bền vững, Nguyễn Huyền Phương (SN 1986) cùng nhóm bạn đã khởi nghiệp thành công với dự án Du lịch thiện nguyện – Tổ chức tình nguyện vì giáo dục, chị Phương cho biết: “Du lịch tình nguyện (voluntourism) là một mô hình kết hợp việc đi du lịch và làm tình nguyện. VEO được thành lập, phát triển sản phẩm dịch vụ của riêng mình nhằm hỗ trợ phát triển bền vững cho cộng đồng. Khác với các hoạt động tình nguyện khác, khi tham gia chương trình du lịch tình nguyện, người tham gia phải đóng một khoản phí nhất định tùy mỗi chuyến đi”.

            Chia sẻ về hoạt động của V.E.O, Huyền Phương nói: “Những điểm đến mà mô hình du lịch tình nguyện chọn chủ yếu là những nơi có tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên người dân ở đó lại không biết cách làm sao để phát triển. Vì vậy, V.E.O sẽ đào tạo cho họ cách giao tiếp tiếng Anh, làm homestay để họ thấy ngoài việc đi cày ruộng, đánh cá thì vẫn có cách kiếm tiền mới và có thể phát triển bền vững. Bên cạnh việc giúp đỡ người dân địa phương, một mục tiêu khác của V.E.O là tạo cơ hội cho các tình nguyện viên cơ hội trải nghiệm văn hóa đặc trưng của địa phương, một trải nghiệm thiên nhiên tươi đẹp của vùng đất các tình nguyện viên đặt chân đến”.

            Tổ chức lớp học tiếng Anh và những hoạt động ngoại khóa cho các em học sinh tại điểm Trường mầm non và tiểu học Tỏa Tình (Điện Biên).

            Du lịch tình nguyện khác với chương trình sinh viên tình nguyện. Người tham gia phải đóng một khoản phí nhất định (từ 400.000 đến 800.000 đồng/ngày-đêm, đã bao gồm phí đi lại, ăn, ở, tham gia các trải nghiệm văn hóa địa phương), nhưng cũng có khi hoàn toàn miễn phí. Chuyến đi tình nguyện có phân nửa là kết hợp du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa các vùng miền, phần lớn là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hình thức du lịch này thường gắn liền với trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như phát triển cộng đồng của một tổ chức phi lợi nhuận. Đối tượng tham gia du lịch tình nguyện bao gồm người đi làm, cán bộ nghỉ hưu và đông đảo nhất là học sinh, sinh viên. Các tình nguyện viên tham gia có cơ hội được học những kỹ năng mới cho cuộc sống và phát triển bản thân trong thời gian ngắn, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ, tư duy toàn cầu và định hướng du học, làm việc trở thành một công dân toàn cầu trong tương lai. Chương trình cũng là cầu nối đặc biệt giữa các chuyên gia quốc tế với cộng đồng người dân địa phương, các tình nguyện viên Việt Nam tham gia chương trình, ngoài việc trải nghiệm, học tập, còn là cơ hội để hỗ trợ những dự án phát triển cộng đồng, người yếu thế trong xã hội nằm trong các điểm đến của V.E.O.

            Được trải nghiệm thực tế từ chuyến đi Mai Châu, Hà – một trong những thành viên nhiệt huyết của V.E.O chia sẻ: “Trước khi đăng ký tham gia chuyến đi du lịch tình nguyện tại Mai Châu, Hòa Bình năm 2016, tôi đã rất do dự, ngần ngại bởi bản thân là người nhút nhát, không tự tin khi giao tiếp với người lạ. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ, đọc một vài dòng chia sẻ tích cực của các tình nguyện viên tại V.E.O cũng như các tổ chức tình nguyện khác, tôi nghĩ rằng mình nên thử thay vì ngồi nhà chẳng biết làm gì. Sau chuyến đi ấy, tôi nhận được cuộc gọi tham gia cùng mọi người, trở thành mentor (cố vấn viên) cho tổ chức. Cảm xúc tôi lúc đó thật khó tả. Sau một thời gian làm việc với vai trò là một mentor, trưởng đoàn đến điều phối viên, được tham gia vào các chuyến đi đến các dự án do V.E.O xây dựng. Qua mỗi lần trải nghiệm, tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, có thêm những người bạn , trải nghiệm và những bài học mới. Và giờ đây, tôi đã chính thức được làm tại V.E.O với công việc marketing, một môi trường tốt để tôi thể hiện bản thân”.

            Tham gia vào các hoạt động làm nghề thủ công tại địa phương, thiết kế những sản phẩm mới để có thể tiêu thụ trong thị trường.

            Trong mỗi chuyến đi, Trưởng đoàn sẽ chia tình nguyện viên vào ba nhóm: Hoạt động tình nguyện (dạy tiếng Anh, kỹ năng sống, khoa học vui…; về cơ sở, các tình nguyện viên sẽ giúp người dân tu sửa nhà cửa, đường xá để thuận tiện trong việc mở homestay đón khách du lịch đến trải nghiệm, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm địa phương như nhuộm vải, nấu ăn, làm bánh chưng đen, nấu rượu… tại chính các homestay của người dân.

            Chia sẻ thêm về điểm dự án ở Mù Cang Chải, Hà nói: “Chỉ mới triển khai từ năm 2018 nhưng qua khảo sát, người dân ở đây tuy đã tiến bộ hơn từ việc xây dựng homestay thu hút khách du lịch, nhưng tự phát nên về không gian nơi cư trú chưa thật sự đặc sắc: Xây dựng nhà sàn bê-tông, ốp nhựa giả gỗ… chưa đúng bản sắc riêng vùng miền. Từ đó, nhóm tình nguyện V.E.O cũng nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm những ngôi nhà đúng đặc trưng riêng để đưa khách đến, tuy nhiên, nhiều hộ dân còn chưa hiểu hết về mô hình homestay, họ cũng có những lưỡng lự, phân vân trong việc sử dụng chính ngôi nhà của mình để làm nơi tiếp đón khách du lịch. Như vậy, chúng tôi phải tìm đến liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương (trưởng thôn, trưởng bản) để thuyết phục cũng như tuyên truyền với họ về dự án phát triển du lịch địa phương, từ đó, họ sẽ thuyết phục người dân”.

            Tham gia vào hoạt động khảo sát, hỗ trợ trang trí, tu sửa cơ sở vật chất cho hộ gia đình tham gia vào dự án Phát triển du lịch cộng đồng.

            Ngoài ra V.E.O còn xây dựng mô hình WorkCamp (Trại hè tình nguyện) kéo dài bảy ngày vào dịp hè. Năm 2018, V.E.O được đón đoàn các bạn học sinh đến từ Singapore, mỗi năm sang Việt Nam trải nghiệm hai lần mô hình của V.E.O để làm các hoạt động tình nguyện, với hoạt động đầu tiên ở Mai Châu (Hòa Bình). Hoạt động buổi sáng thường là các buổi dạy học, chiều đến nhóm tình nguyện viên tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa vùng miền, tối đến lại quây quần bên nhau thưởng thức hương vị ẩm thực địa phương, tổ chức giao lưu văn hóa qua các trò chơi, ca hát… Trong năm nay, V.E.O sẽ mở rộng thêm mô hình ở ba điểm khác là Hạ Thành (Hà Giang), Bắc Sơn (Lạng Sơn) và Na Hang (Tuyên Quang). Mô hình trại hè tình nguyện thường được triển khai từ ngày 15-6 đến hết tháng 7. Đối tượng hướng đến là học sinh THCS và THPT. Chi phí khoảng gần sáu triệu/người/chuyến.

            Với sự góp sức và tham gia của các tình nguyện viên quốc tế, các dự án của V.E.O đã mang lại một môi trường giao lưu quốc tế, sự chia sẻ cộng đồng hiệu quả, với mạng lưới tình nguyện rộng lớn, nhằm phát triển cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và mang lại sự phát triển kỹ năng cá nhân, mạng lưới kết nối cho mỗi cá nhân tình nguyện viên – là những du khách tham gia trong chương trình nói riêng.

            MINH KHANG

            Thông tin thêm
            15/06/2019 | phongviet | Blog

            Đà Nẵng muốn làm làng du lịch cộng đồng gắn với nghề chài lưới

            Thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang – Mân Thái, quận Sơn Trà, kết nối hoạt động du lịch với các loại hình kinh tế khác tại khu vực, chủ yếu là chài lưới và đánh bắt cá.

            Khu vực Thọ Quang-Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng được dự kiến sẽ trở thành làng du lịch cộng đồng. Ảnh: Nhân Tâm

            Bãi biển tại hai phường Thọ Quang và Mân Thái có chiều dài khoảng 1,2 km, từ phía Bắc dự án Fusion Suites Danang Beach đến giáp Nhà trưng bày Hoàng Sa và khu dân cư dọc tuyến phía Tây đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp.

            Theo đề án, khu vực này sẽ phát triển các cụm dịch vụ du lịch du lịch chuyên nghiệp nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia trải nghiệm cuộc sống ngư dân, đồng thời tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ như du khách tham gia đan lưới, thu hoạch hải sản cùng ngư dân… Đồng thời, tại khu vực phía tây đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp sẽ kêu gọi người dân cùng tham gia đầu tư dịch vụ homestay, trang trí làng nghề, khu phố bích họa.

            Ở góc nhìn của một doanh nghiệp làm du lịch, ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours, cho biết đây là ý tưởng tốt, giúp phát triển du lịch làng nghề kết hợp văn hóa, lịch sử và thân thiện môi trường. Làm du lịch cộng đồng, người dân làm homestay, bán các đồ lưu niệm… sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc đầu tư của thành phố cần cẩn trọng vì khu này hiện nay ngư dân thưa thớt, khó hình thành một làng du lịch cộng đồng liên quan đến nghề đánh bắt cá. “Theo tôi, thành phố nên nghiên cứu thực hiện mô hình này tại vùng Kim Liên-Nam Ô, nơi có hoạt động chài lưới tấp nập hơn, dễ hình thành làng du lịch cộng đồng. Hơn nữa, về mặt địa lý cũng thuận tiện cho khách tham quan nhiều điểm”, ông Anh chia sẻ.

            Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó chủ tịch Hội Khách sạn và là một chuyên gia trong ngành du lịch ở Đà Nẵng, chia sẻ rằng làng chài ở khu vực này vẫn còn đó nhưng đã bị đô thị hóa. Vì vậy, thành phố cần tìm cách để ủng hộ người dân tiếp tục với nghề. “Đề án này nếu được quảng bá rộng khắp sẽ rất thành công”, ông Quỳnh nói. “Có nhiều ví dụ ở các điểm đến trên thế giới, làng nghề, chợ làng, chợ hải sản bao giờ cũng là điểm thu hút du khách. Sự khác lạ của điểm đến chính là văn hóa bản sắc của cư dân và lịch sử nơi đó.”

            Nhưng điều mà ông Quỳnh quan ngại nếu làm nửa vời thì lại thành một sản phẩm nửa vời, không bổ sung một sản phẩm du lịch hiệu quả cho thành phố biển miền Trung.

            Theo đại diện Sở Du lịch, đề án đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ dân tại khu vực thực hiện chuyển đổi ngành nghề phù hợp với hoạt động kinh doanh du lịch, sản xuất kinh doanh hàng lưu niệm cũng như đề xuất kiến nghị thành phố đầu tư về cơ sở hạ tầng, tiện ích công cộng như: cầu/hầm băng qua đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp, hệ thống các lối lên xuống biển, quầy thông tin; quy hoạch khu vực khu vực dịch vụ thể thao mặt nước, khai thác loại hình tham quan bán đảo Sơn Trà bằng đường biển phục vụ du khách… Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp khắc phục tính mùa vụ bằng cách tổ chức các hoạt động phong phú như trải nghiệm đánh bắt hải sản mùa đông, chung tay phòng chống thiên tai cùng cộng đồng, du lịch thiện nguyện…

            Ngoài ra, để giãn bớt lượng du khách vào mùa cao điểm và thu hút du khách vào mùa thấp điểm, thành phố cần có chính sách liên kết giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu vực để đưa ra các sản phẩm đặc thù, có chính sách giá và chất lượng dịch vụ tốt… thu hút khách vào các ngày trong tuần thay vì chỉ tập trung vào cuối tuần. Theo đề án, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch tiến hành kêu gọi các hộ kinh doanh tham gia đầu tư, tổ chức hoạt động; UBND quận Sơn Trà phối hợp cùng hai phường Thọ Quang và Mân Thái quản lý các hoạt động du lịch tại đây, vận động người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, tô chức thực hiện tốt các quy định bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa khả năng phát sinh các tệ nạn xã hội, tạo cảm giác an tâm an toàn cho du khách.

            Tại buổi làm việc với Sở Du lịch về đề án này cuối tuần trước, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, nhận định bãi biển Thọ Quang-Mân Thái có địa điểm đẹp, có sức thu hút du khách trên tuyến du lịch tham quan bán đảo Sơn Trà. Tại đây có làng nghề thủy sản truyền thống và một số công trình đình làng, tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mang giá trị kiến trúc và bản sắc địa phương, phù hợp với mục đích phát triển du lịch cộng đồng.

            Nhân Tâm

            Thông tin thêm
            15/06/2019 | phongviet | Blog

            Kiên Giang tiếp tục thu hút khách du lịch

            Theo Sở Du lịch Kiên Giang, từ đầu năm 2019 đến nay, tổng lượt khách đến tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 3,79 triệu lượt, doanh thu đạt 3,88 ngàn tỷ đồng (tăng 54,7% so với cùng kỳ).

            Riêng Phú Quốc, khách đến tham quan du lịch đạt 2,04 triệu lượt (tăng 53,9% so với cùng kỳ), khách quốc tế 340 ngàn lượt, doanh thu đạt 3,68 ngàn tỷ đồng. Tổng số cơ sở lưu trú có đăng ký hiện nay của toàn tỉnh là 726 cơ sở với 22.654 phòng.

            Kiên Giang tiếp tục thu hút khách du lịch. Ảnh: QT

            Thời gian tới, Sở Du lịch Kiên Giang phối hợp với ngành có liên quan tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra công nhận đủ điều kiện tối thiểu cho 20 cơ sở lưu trú tại thành phố Hà Tiên, 35 cơ sở lưu trú tại huyện đảo Phú Quốc; đồng thời kết hợp nhắc nhở việc chấp hành quy định về treo gắn biển quảng cáo, tháo gỡ biển hạng sao đối với các cơ sở lưu trú hết thời hạn công nhận sao.

            Bên cạnh đó, Sở sẽ tiến hành khảo sát hoạt động kinh doanh mô hình homestay tại Phú Quốc; vận động các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường Trung Quốc; xúc tiến khảo sát tuyến du lịch bằng đường biển qua cảng biển Phú Quốc (Kiên Giang-Việt Nam) và Kampốt (Campuchia).

            Cùng với đó, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch, cải thiện vệ sinh môi trường các khu du lịch./.

            Quốc Tuấn

            Thông tin thêm
            15/06/2019 | phongviet | Blog

            Homestay ven hồ sở hữu view đẹp thơ mộng nhất nhì Đà Lạt

            Nếu yêu thiên nhiên, bạn hãy đến ngay homestay sở hữu view bờ hồ tuyệt đẹp tại Đà Lạt. Đến đây, bạn sẽ được nhìn thấy mặt hồ thơ mộng với những đồi thông phía xa mỗi buổi sáng.

            Còn gì tuyệt hơn việc mỗi buổi sáng được thức dậy với khung cảnh mặt hồ phẳng lặng cùng những đồi thông lấp ló xa xa? Nếu như đang tìm một nơi trú ngụ có view thật đẹp khi đến Đà Lạt, bạn có thể thử đến nơi nằm cạnh ven hồ, cách trung tâm Đà Lạt 7 km, để tìm đến sự hòa hợp với thiên nhiên đầy thơ mộng. Ảnh: onetothuy.

            Nếu đã trót yêu Đà Lạt, nhưng lại ngán ngẩm cảnh du khách tụ tập nhộn nhịp, xô bồ ở khu vực trung tâm thành phố, homestay này là một nơi lý tưởng giúp bạn có khoảng thời gian bình yên nhất. Chưa hết, bạn còn được gần gũi hơn với vẻ đẹp thiên nhiên Đà Lạt vì nơi đây sở hữu vị trí ngay cạnh hồ Tuyền Lâm. Ảnh: _mian_, tuan.minh.le.

            Nơi đây sử dụng nội thất mang chất liệu mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên. Màu sắc của căn phòng cũng sử dụng tông màu chủ đạo trang nhã, cách bố trí đơn giản và sạch sẽ nên rất hợp với những người yêu thích phong cách tối giản. Homestay có 5 phòng, mỗi phòng đều sở hữu khung cửa kính lớn, nhìn ra phong cảnh hồ nước, núi rừng. Ảnh: onetuthuy, thaophuong__.

            Bên cạnh những phòng cho thuê có view đẹp, nơi này còn có cả quầy bar, quán cà phê, nhà hàng và thư viện để đảm bảo rằng du khách ở đây có khoảng thời gian nghỉ dưỡng tiện nghi, bình yên nhất. Ảnh: gia_khiem, hello.dalat.

            Quán cà phê của homestay có đầy đủ các loại cà phê Italy hảo hạng, ngoài ra còn có cacao nóng, cà phê dừa và các loại bánh ngọt. Thực đơn thức ăn gồm nhiều món Âu hấp dẫn, giá dao động từ 50.000-250.000 đồng. Các du khách ở đây thường thích dậy sớm để có thể vừa ăn sáng, thưởng thức cà phê nóng, vừa nhìn ngắm khung cảnh hồ nước tuyệt đẹp. Ảnh: batien282.

            Từ sáng đến chiều muộn, cảnh đẹp ngoài cửa sổ phòng sẽ khiến bạn không muốn rời khỏi đây. Ngay tại chiếc giường êm ái, bạn có thể nhìn ngắm cảnh bình minh, hoàng hôn cùng với cảnh sương mù mờ ảo len lỏi trên những ngọn đồi đằng xa. Ảnh: _mietang, khanhroaster.

            Tại đây, bạn có thể lười biếng nằm trên giường cả ngày, đọc sách, làm việc mà vẫn nhìn ngắm được vẻ đẹp của thành phố Đà Lạt thơ mộng. Nơi đây thường hết phòng vào những dịp cao điểm. Nếu muốn có một chỗ tuyệt đẹp, bạn phải nhanh chóng đặt sớm. Một phòng của homestay có giá 1,5 triệu đồng/đêm. Ảnh: machnhaca, mimiminty, onetothuy, zenn.ng.

            Ngẩn ngơ ngắm phượng tím mộng mơ nở cả góc trời Đà Lạt Tháng 3 về, phượng tím bắt đầu nở rực rỡ khắp đất trời Đà Lạt (Lâm Đồng), quyến rũ các tín đồ ưa xê dịch từ khắp mọi miền ghé thăm.

            Phi Đan

            Thông tin thêm
            • 1
            • 2
            • ›
            • »

            Tìm kiếm

            Recent Posts

            • Khi “thượng đế” thiếu ý thức thuê Homestay
            • Du khách tố homestay Đà Lạt lừa đảo, phòng như ổ chuột
            • Khám phá ngôi làng Minion độc đáo giữa Đà Lạt
            • Mô hình du lịch homestay ở huyện vùng cao A Lưới
            • Du lịch cực Nam tìm lại thời vàng son

            Tags

            Berry Valley: Homestay (2) Bonjour Dalat Homestay (1) Bình Yên House (1) Cù Lao Xanh (1) Căn hộ (1) Căn hộ Luxury (1) Dalat80s.NhàMình (1) Department (1) Dream Valley: (1) Hai Ả Homestay (1) Her Homestay Dalat (1) homestay Container (1) homestay Hà tĩnh (1) homestay Đà lạt (3) Lacasa Homestay: (1) Melody (1) Nomad Home Dalat (1) Vũng Tàu (1) Vườn đom đóm: (1) Đà Lạt (1) Đà Lạt Home & Coffee (1) Độc đáo homestay (1) Đợi Một Người (1)

            Vietnamhouse

            Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí. Dự án đang trong quá trình hoàn thiện và cập nhật, mọi ý kiến góp ý xin vui lòng gửi về email: [email protected] Hotline: 083 530 0000

            Địa chỉ: G12A-05 The Manor Officetel, 91 Nguyễn Hữu Cảnh, TP. HCM

            © Copyright 2018 - Một trong những dự án của VietNet Ltd.

            Userful Links

            • Homestay
            • Farmstay
            • Cẩm nang Phượt
            • Contact Us
            • FAQ’s

            Social Links

            • Facebook